Apple dùng cách kể chuyện để khẳng định vị trí của một doanh nghiệp “huyền thoại” trong giới công nghệ. Disney hay Coca-Cola đã dùng sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện để kết nối với khách hàng. Mặt khác, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí The New York Times chỉ ra rằng, não bộ con người phản ứng mạnh mẽ và sâu sắc tới các chi tiết mô tả trong câu chuyện, cảm nhận được các trải nghiệm và “đồng bộ hoá” tâm trí của mình với chủ đề mà câu chuyện đề cập tới.
Nhưng làm thế nào để câu chuyện thương hiệu của bạn được lan toả bởi tính chân thật và độ đáng tin đối với khách hàng của mình? Câu trả lời sẽ được hé lộ trong bài viết dưới đây!
Trong một bài viết của mình trên Tạp chí Forbes, tác giả Susan Gunelius đã nêu quan điểm rất thú vị về câu chuyện thương hiệu: “Câu chuyện thương hiệu không phải là những chất liệu marketing. Chúng không phải các mẫu quảng cáo, cũng không phải tài liệu bán hàng. Câu chuyện thương hiệu cần được kể lại mà qua đó làm nổi bật tính cách của chính thương hiệu và của người viết. Những câu chuyện nhàm chán không giữ chân được độc giả, nhưng những câu chuyện cá tính hoàn toàn có thể!”
Nói cách khác, câu chuyện được truyền cảm hứng bởi sự hiện diện của những người tham gia đóng góp, kết nối, tạo nên sự phát triển và thành công của doanh nghiệp. Một câu chuyện thương hiệu có cá tính rõ ràng sẽ tạo sự tin cậy đối với khách hàng bởi nó mang tới cảm giác kết nối với một nhân vật có thật, thay vì một thực thể khô khan.
Mọi câu chuyện nên được cấu trúc theo 3 phần rõ ràng:
– Mở đầu: Đặt vấn đề. Nêu ra vấn đề và diễn giải vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải.
– Thân bài: Giải pháp. Miêu tả cách doanh nghiệp của bạn vượt qua vấn đề đó.
– Kết thúc: Thành quả. Doanh nghiệp của bạn đã đạt được gì sau khi tìm ra giải pháp.
Hãy lưu ý ở phần kết thúc! Kết thúc trong câu chuyện thương hiệu chính là khởi đầu của thành công và những sự phát triển về sau.
Trả lời câu hỏi: “Tại sao doanh nghiệp của bạn tồn tại?” chính là cách bạn bắt đầu kể lại câu chuyện thương hiệu của mình. Nếu câu trả lời đơn giản là để “kiếm tiền”, đó chỉ là một mục tiêu ngắn hạn. Để kể được câu chuyện thương hiệu của mình, bạn cần tìm ra được sứ mệnh lớn lao hơn cho sự duy trì và hoạt động của doanh nghiệp.
Mục đích khi kể chuyện chính là kết nối với khách hàng. Vì thế, hãy kể lại câu chuyện để khách hàng của bạn cảm nhận được rằng bạn đang hướng về phía họ, hiểu họ và giống như họ.
Khi câu chuyện của bạn “chạm” được tới khách hàng, bạn đã xây dựng được niềm tin ở phía họ. Như vậy, bạn đã thắng!
Khách hàng không chỉ tham gia vào câu chuyện của bạn mà còn chính là những người tiêu dùng và tạo nên doanh thu cho công ty. Câu chuyện thương hiệu của bạn giúp khách hàng hiểu: Hơn cả giá trị sử dụng là ý nghĩa thực sự đằng sau sản phẩm mà bạn cung cấp.
Thông tin tham khảo từ: neipatel.com