Skip to content

7 điều các lãnh đạo doanh nghiệp nên làm trong bối cảnh dịch bệnh đang chưa có hồi kết

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, là chủ doanh nghiệp, bạn cần làm gì để tổ chức của mình duy trì hoạt động và đứng vững? Những chia sẻ dưới đây của chị Hang Pham – CEO của 5S Consulting & Media  sẽ là gợi ý cho bạn!

1. Tìm cách cắt giảm ngân sách

Rà soát tất cả các khoản chi phí, đặc biệt là chi phí cố định hàng tháng xem có thể giảm được gì không. Những khoản chi phí nho nhỏ thường ẩn trong các hoá đơn tháng mà bạn ít để ý tới: tiền điện nước, internet, mua dịch vụ của nhà cung cấp,…

2. Tìm cách bán hàng mới, sản phẩm mới

Nếu sản phẩm, dịch vụ hiện tại mà bị ảnh hưởng bởi dịch, đây là lúc cần nhanh chóng tung ra sản phẩm mới phù hợp với hành vi, xu hướng tiêu dùng mùa bệnh dịch. Ví dụ, trước đây cửa hàng bán ăn tại chỗ là chủ yếu, khách ra vào nườm nượp. Nay khách heo hút, không còn đến ăn tại chỗ nữa, thì cần ra các combo hấp dẫn, ship tận nơi cho thượng đế dùng bữa tại văn phòng, nhậu tại nhà,…

3. Tối ưu hoá nhân sự

Dừng hoặc lui lại các kế hoạch tuyển dụng mới nếu chưa quá cần thiết, để chờ thị trường ấm áp hơn thì tuyển cũng chưa muộn. Các nhân sự hiện tại cần được quy hoạch lại, nếu nhóm nhân sự nào đang không có đủ công việc để trang trải chi phí cho họ thì cần thương lượng đàm phán các hình thức giảm thu nhập, nghỉ phép không lương, nghỉ luân phiên… (bước này đến sau bước 2 ở trên).

4. Rà soát, tối ưu quy trình

Nếu trong năm doanh nghiệp quá bận rộn với các đơn hàng, tập trung hết nguồn lực vào phục vụ khách hàng, thì khoảng thời gian này như khoảng lặng quý giá để rà soát quy trình, tài liệu hoá, hệ thống hoá, chờ khi quay lại sẽ muôn phần lợi hại hơn xưa.

5. Thúc đẩy xây dựng thương hiệu doanh nghiệp

Đấy, việc này rất quan trọng nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay bỏ quả. Tranh thủ lúc này, thúc đẩy các hoạt động quảng bá thương hiệu, thủ thỉ kể chuyện thật nhiều về thương hiệu, tăng cường chia sẻ, training cho nhân viên về công ty, dịch vụ, sản phẩm để tăng “emloyer branding”.

6. Viết các bài chia sẻ cho nhân viên, khách hàng

Cũng tranh thủ lúc nhàn nhã hơn, doanh nghiệp cần đẩy mạnh training cho nhân viên. Chủ doanh nghiệp và các thành viên kỳ cựu cần tích cực tổng kết kinh nghiệm, hệ thống hoá thành tài sản tri thức cho công ty.

7. Dành thời gian học một hoặc một số những thứ mới

Thật tuyệt nếu có chút thời gian học những thứ mới mà trước đây bận quá ít có cơ hội. Nếu thấy mình yếu về digital marketing, tranh thủ học online vài khoá. Nếu thấy ham hố ra nước ngoài nâng cao hiểu biết, tăng cường cọ xát một thời gian giữa các đồng đội ưu tú từ nhiều nước, sao không tranh thủ nộp hồ sơ tham gia các hội thảo, hoặc khoá huấn luyện ngắn ngày ở nước ngoài. Các chương trình này có khoảng thời gian từ lúc nộp đơn đến lúc đi học khá dài (ví dụ nếu tháng 3 nộp đơn thì nhanh cũng phải tháng 8 – tháng 9 mới đi học), nên lúc đó chắc dịch cũng đã lui rồi. Đi lại thoải mái.