Skip to content

7 nguyên tắc thiết kế cho người mới bắt đầu

Thiết kế đang ngày càng chiếm được nhiều sự quan tâm và trở thành lựa chọn nghề nghiệp của nhiều người ở các độ tuổi khác nhau. Theo một nghiên cứu người tiêu dùng của Microsoft, khoảng chú ý của người dùng trung bình chỉ là 8 giây. Vậy, làm thế nào để trong vòng 8 giây đó, bạn có thể giữ chân đối tượng mục tiêu bằng một hình ảnh thật sự ấn tượng?

 

Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ 7 nguyên tắc thiết kế tạo nên những ấn phẩm hiệu quả nhé!

1. Lựa chọn điểm nhấn (Emphasis)

Lựa chọn điểm nhấn trong thiết kế là nguyên tắc đầu tiên khi bắt đầu các công đoạn thiết kế. Hãy chỉ chọn 1-2 điểm nhấn cho bài thiết kế của bạn và sử dụng các yếu tố khác để làm cho điểm nhấn nổi bật hơn. Ví dụ, trong poster chương trình âm nhạc, yếu tố cần “tỏa sáng” là tên liveshow, trong poster phim điện ảnh, bạn cần làm nổi bật tên của bộ phim đó. Sau đó, bạn mới nghĩ tới các cách kết hợp màu sắc, kích cỡ, hình ảnh,… xung quanh.

 

Mẫu thiết kế quảng cáo sản phẩm chuông cửa của Nest – chuông cửa chính là “điểm nhấn” được lựa chọn

2. Tạo nên tổng thể hài hòa (Balance & Alignment)

Sự cân bằng và thẳng hàng trong thiết kế sẽ dẫn đến sự hài hòa về mặt tổng thể, giúp người xem cảm thấy thích thú với thiết kế của bạn. Nguyên tắc này đến từ nhiều yếu tố như màu sắc, kích thước, sự căn chỉnh,…

  • Về màu sắc, bạn nên lựa chọn những cặp màu đi với nhau sẽ tạo nên hiệu ứng tốt, làm nổi bật lẫn nhau, tránh sử dụng quá nhiều màu trong cùng một khung hình.
  • Về kích thước, bạn nên lựa chọn đa dạng những kích thước để thực hiện được ý đồ thiết kế.
  • Về sự căn chỉnh, bạn cần căn chỉnh thẳng hàng, căn lề để hình ảnh không bị “trượt” khỏi mắt người xem.

 

Để giúp thiết kế hài hòa hơn, bạn có thể sử dụng thiết kế đối xứng (symmetrical design) – phong cách đặc trưng cho nguyên tắc này.

Mặt khác, thiết kế không đối xứng với các yếu tố có độ tương phản (lớn – nhỏ) cũng là một lựa chọn thú vị, phù hợp với xu thế hiện nay.

 

Bộ nhận diện thương hiệu của City of Melbourne sử dụng yếu tố đối xứng và không đối xứng

3. Sử dụng sự tương phản (Contrast)

Tương phản được hiểu là sự khác biệt giữa 2 yếu tố trong một trang thiết kế. Một số hình thức phổ biến của tương phản là sáng-tối, đậm-nhạt, dày-mỏng, lớn-bé,… hoặc khi sử dụng tương phản trong màu sắc (nóng – lạnh), hình dạng (vuông – tròn), chất liệu (mịn – thô ráp).

Tương phản tạo ra sự phân cấp thị giác, giúp điều hướng thị giác người xem hiệu quả hơn, khiến thông điệp truyền đi mạnh mẽ hơn.

 

Thiết kế chủ đề bộ phim Parasite với yếu tố tương phản sáng – tối, lên – xuống, mịn – thô ráp, chất lượng ảnh nét – mờ, màu sắc nóng – lạnh,…

4. Sử dụng yếu tố lặp lại (Repetition)

Sự lặp lại trong thiết kế không những không hề nhàm chán mà lại còn mang lại hiệu quả tuyệt vời. Trong thiết kế, với cùng một bức ảnh, chỉ cần ở vị trí khác, xoay góc độ khác,.. thì bức ảnh đã mang lại một hiệu ứng khác. Nguyên tắc này sẽ khiến mẫu thiết kế của bạn vừa lạ vừa quen, giúp khách hàng dễ dàng ghi nhớ hình ảnh của bạn.

Nhờ điểm cộng khá an toàn này, sự lặp lại được nhiều designer ưa chuộng. Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều mẫu thiết kế sử dụng phong cách lặp lại, nổi trội nhất là những logo của các thương hiệu nổi tiếng như McDonald’s, Chanel, Starbucks,… Nếu bạn muốn thiết kế của mình thêm hút mắt mà lại không tốn quá nhiều công sức, hãy thử tìm đến phong cách này nhé!

 

Poster design của Zoom.de do robbyprada thực hiện

5. Để chỗ cho những khoảng trắng (White Space)

Khoảng trắng là phần diện tích trống “chạy” quanh các yếu tố thiết kế. Khoảng trắng giúp thiết kế không bị dày đặc thông tin, tạo ra sự phân cấp thông tin, hướng người nhìn vào những nội dung quan trọng.

Bên cạnh đó, khoảng trắng cũng tạo nên sự cân bằng, sang trọng và tối giản cho thiết kế, rất phù hợp với những designer ưa thích phong cách tối giản.

 

Mẫu thiết kế trong chiến dịch “Think small” của Volkswagen-ví dụ thành công điển hình trong việc sử dụng yếu tố “Khoảng trắng”

6. Sử dụng yếu tố chuyển động (Movement)

Chuyển động là cách sử dụng các hình khối, đường nét, màu sắc… tạo thành một đường tưởng tượng hướng mắt người xem đi từ điểm này tới điểm khác, hoặc khiến người xem có cảm giác đối tượng đang chuyển động. Chúng giúp thiết kế sinh động, có sức sống hơn, tránh cảm giác tĩnh thường thấy trong thiết kế phẳng.

Bạn có thể tạo sự chuyển động cho thiết kế của mình bằng hiệu ứng làm mờ, đường chuyển động hoặc hiệu ứng lượn sóng.

 

Poster design của Stefanosp cho Great American Music Hall

7. Sắp xếp bố cục hợp lí (Composition)

Bố cục là sự sắp xếp tổng thể của các yếu tố trong thiết kế của bạn, đây là nơi bạn có thể thỏa thích chơi đùa, thử nghiệm và làm cho một thiết kế trông tuyệt hơn.

Bạn có thể sử dụng tỷ lệ kích cỡ, sự nhắc lại, nghệ thuật chữ, đường kẻ, tính ngẫu nhiên,… để tạo ra các bố cục độc đáo, thú vị.

 

Mẫu thiết kế của bộ phim Once Upon A Time In Hollywood

 

Nhà thiết kế được ví như những “phù thủy thời hiện đại”. Vì vậy, bạn hãy thỏa sức tưởng tượng, không ngừng học hỏi, thử nghiệm cái mới,… để tạo dấu ấn cho riêng mình nhé !